Đúng là đồ lười như heo, lười viết quá đi. Lẽ ra nếu trang blog Opera ko đóng của thì mình cũng có trang Blog đồ sộ rồi ý nhỉ. Từ cái ngày nào đó vào cuối năm 2010 đầu năm 2011 mình đang vào ngon lành viết bài, quen được thêm nhiều bạn mới trong đó có cả bạn nước ngoài nữa, rồi đùng một VẸO mềnh ko vào được nữa, sau khoảng 1 thời gian thì biết nó chặn mạng ở VN, down phần mềm về và lại vào được ngon lành, lại hý hoáy viết... Rồi một ngày đã đến, blog opera đóng cửa thực sự. Mình như chết lặng, sống khép mình hẳn lên, ko thích viết và cũng chẳng viết nữa. Thôi giờ sẽ cố gắng viết bài, dù nó dở ẹc đến đâu. Sắp thành thạc sỹ đến nơi rồi mà không có bài nào ra hồn hết trơn, thôi coi như tập viết.
Bài này mình viết sau buổi đi thực tế ngày ấy, bản thảo là 5 trang giấy A4, ngồi gõ lại thành 6 trang word. Ôi, ngày ấy, ngày ấy đã đâu rồi.........??????????
Sáng chủ nhật ngày 06/4/2014, sau cơn mưa rào xối xả bầu trời như cao hơn, xanh hơn, từng tia nắng vàng rực rỡ chiếu xuống làm cho những giọt nước mưa còn vương trên những cành lá lóng lánh đẹp một cách kỳ lạ. Một hành trình của nhóm 9, 10 Lớp N02 Bộ môn Luật về người khuyết tật của Trường Đại học Luật Hà Nội tới giao lưu, chia sẻ với CLB sinh viên khuyết tật Thành phố Hà Nội tại lớp học tình thương số 219 Nguyễn Ngọc Vũ – Cầu Giấy – Hà Nội.
7h30 các bạn đã có mặt đông đủ trước cổng trường Đại học Luật Hà Nội, tôi thấy không khí thật vui tươi, một chút nữa thôi các bạn sẽ đem hết tấm lòng, tình cảm của mình để đến và chia sẻ giao lưu với các bạn sinh viên khuyết tật của CLB. Trong mắt mỗi người đều ánh lên một niềm vui khó tả, bạn nào cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc gặp gỡ này. 7h45 chứng tôi bắt đầu xuất phát tới lớp học tình thương của CLB sinh viên khuyết tật Thành phố. Dừng chân trước lớp học tình thương, chúng tôi không khỏi hồi hộp và tò mò về lớp học này và về các bạn khuyết tật. Với dáng người nhỏ nhắn và nụ cời rạng rỡ chúng tôi được chị Liên – Chủ nhiệm CLB sinh viên khuyết tật Thành phố và các bạn khuyết tật nhiệt tình đón tiếp. Vào trong lớp học tình thương tôi không khỏi ngạc nhiên, một căn phòng sạch sẽ với hai dãy bàn học được kê ngay ngắn thẳng hàng, trên tường có trang trí bằng những bức hình chụp các hoạt động của CLB, của lớp học và những bức tranh mà do các bạn khuyết tật tự vẽ về lớp học tình thương . Đó là các bức tranh các bạn cùng nhau đến lớp, cùng vui chơi, cùng học tập tại lớp học tình thương, tôi thấy nghẹn ngào và xúc động vô cùng, đây đúng là một lớp tình thương. Trước là một tấm bảng đen với dòng chữ “ Tiếng Việt – Ôn tập bảng chữ cái” ngay ngắn và thẳng nét. Tôi đã phần nào cảm nhận được sự gắn bó, yêu nghề, mến các bạn khuyết tật của người phụ trách lớp ở đây.
Đến với buổi giao lưu chia sẻ này chúng tôi có chuẩn bị một ít bánh kẹo, hoa quả để liên hoan,các bạn sinh viên nhanh chóng kê lại bàn ghế thành hình chữ U và bày biện mọi thứ để chuẩn bị cho buổi giao lưu.
8h30, mội người bắt đầu ổn định, chúng tôi ngồi đan xen giữa các bạn sinh viên với các bạn khuyết tật để tìm hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Nữ MC xinh đẹp của nhóm 10 lên cùng chị Liên giới thiệu và buổi giao lưu bắt đầu. Chúng tôi từng người đứng lên tự giới thiệu về mình và cũng nhau cất lên ca khúc “Nối vòng tay lớn” và ca khúc “bên trái bên phải”, sau đó MC mời anh Thái lên chia sẻ với các bạn về CLB sinh viên khuyết tật. Được biết CLB được anh thành lập từ năm 2001, thời kỳ này thì nhận thức của mọi người chưa cao về việc thành lập một CLB để gắn kết các bạn khuyết tật với nhau, chỉ có vài nhóm nhỏ được thành lập như hội làm tăm... CLB được thành lập với mục tiêu chỉ “chia sẻ thông tin, động viên nhau trong học tập”. Anh nhấn mạnh các bạn trong CLB lúc đó chỉ có thể động viên nhau trong học tập thôi chứ chưa có thể động viên nhau trong cuộc sống được vì các bạn khuyết tật vẫn còn rất tự ti về bản thân mình. Nhiều bạn theo học tại các trường Đại học nổi tiếng như Ngoại thương, Bách khoa... nhưng các bạn vẫn không tư tin giao tiếp, chia sẻ với mọi người.
Ban đầu, CLB hoạt động có rất ít các bạn tham gia và không tự tin có thể nói to cũng làm các bạn giật mình và sợ sệt, các bạn tuy học giỏi, văn nghệ hay nhưng không dám thể hiện- giờ thì các bạn đã tự tin hơn rất nhiều từ khi tham gia CLB này. Đúng là như vậy, vào đầu buổi giao lưu, cô bé Thảo Đan đến từ Thái Nguyên em bị khiếm thị đã đứng lên và bắt nhịp cho tất cả chúng tôi hát bài “Nối vòng tay lớn”. Được biết em từng đoạt giải vàng trong cuộc thi hát cho người khuyết tật.
Tiếp chia sẻ của anh Thái, việc anh thay đỏi nhận thức cho mọi người cũng có mặt tiêu cực của nó. Ngoài việc làm cho nhiều bạn tự tin hơn, sống lạc quan hơn thì một số bạn lại sống ích kỷ hơn, ganh đua để mình nổi trội hơn mà quên đi mất bên mình còn có bạn bè và gia đình. Từ đó anh cũng khuyên mọi người nên “sống đúng với bản chất cùng mình, nên dành thời gian cho bạn bè và gia đình đừng lôi mình vào vòng xoáy của cuộc sống”. Anh cũng có nói về những bạn khuyết tật trước đây đã đến lớp học tình thương, tham gia vào câu lạc bộ họ đã rất tự tin và đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống và họ liên lạc quay lại cảm ơn anh và họ hỏi anh “ Sao anh vẫn ở đây?” Câu hỏi đó khiến anh không hỏi ngạc nhiên sao họ lại hỏi mình như vậy và hỏi lại thì anh được biết họ nghĩ anh là “một người lạc quan,luôn tự tin, luôn truyền cảm hứng cho mọi người thì anh sẽ thành công hơn, tiến xa hơn họ về sự nghiệp nhưng tại sao anh vẫn ở đây?”
Anh cũng có giải thích rằng anh cũng có ra ngoài làm 5 năm và trong khoảng thời gian đó anh ít tham gia vào hoạt động của câu lạc bộ và anh thấy không vui. Anh cảm nhận rằng khi tham gia vào câu lạc bộ anh thấy vui, khi mình đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mình sẽ hiểu họ nhiều hơn. Ví dụ như những buổi giao lưu nho nhỏ như ngày hôm nay là sẽ gắn kết và để mọi người hiểu nhau nhiều hơn.
Còn đây là chia sẻ của chị Oanh, tôi rất ấn tượng khi chị bước vào, chị chỉ cao gần một mét, thân hình không cân đối nhưng nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Được biết chị đang theo học khoa công tác xã hội tại trường Đại học Lao động và xã hội. “Khi bước vào năm nhất đại học, chị cũng gặp rất nhiều sợ hãi sau thời gian quen dần có thêm bạn mới, giao tiếp cũng tự tin hơn, nên thuyết trình không còn cảm thấy run nữa”. Khi đi học đại học mẹ chỉ bảo rằng chị đi học để trau dồi kiến thức cho mình nhưng chị không nghĩ thế, chị mong mình đi học để biết thêm nhiều kiến thức để giúp đỡ cho các bạn.
Chị cũng chia sẻ thêm việc học tập, sinh hoạt ở trường việc gì cũng được ưu tiên và được mọi người rất quan tâm, giúp đỡ, được chọn phòng ở trong ký túc phù hợp và thuận tiện cho sinh hoạt và học tập của mình. Trong phòng học cũng được ưu tiên chọn bàn ghế phù hợp, nếu có bàn nào ghế hơi xa bàn một chút là được di chuyển đến bàn phù hợp ngay, chị rất cảm động về sự quan tâm của thầy cô và các bạn đối với mình. Chị thấy yêu trường, yêu lớp của mình nhiều hơn và cảm ơn câu lạc bộ vì có câu lạc bộ mà chị mới tự tin như ngày hôm nay.
Tiếp chúng ta cùng đến với những chia sẻ của chị Liên – Chủ nhiệm CLB sinh viên khuyết tật Thành phố, chị cho biết CLB cũng đã phối hợp với nhiều trung tâm khác để giúp đỡ các bạn khuyết tật như Trung tâm giới thiệu việc làm để tìm kiếm những công việc phù hợp với khả năng và năng lực của các bạn khuyết tật. Tuy nhiên cũng có nhiều rào cản đối với các bạn, có thể các bạn đủ điều kiện và doanh nghiệp nhận các bạn vào làm việc nhưng đói với các bạn phải ngồi xe lăn mà cơ sở vật chất ở nơi làm không đủ điều kiện, không có lối đi riêng cho người khuyết tật thì các bạn cũng khó mà đi làm được. Ngoài ra thì các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm chỉ là một hình thức tự nguyện chứ không phải là thừa nhận năng lực của các bạn khuyết tật. Họ đôi khi còn lợi dụng người khuyết tật để trốn thuế hoặc giảm thuế, quy định thời giờ làm việc không phù hợp đối với các bạn khuyết tật, chế độ đãi ngộ lao động không tốt và xin tài trợ cho doanh nghiệp chứ không vì người khuyết tật. Điều này làm chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc sửa đổi luật để bảo vệ cho người khuyết tật được tốt hơn trong lao động- việc làm. Mong ước của người khuyết tật cũng như mong ước của bao người bình thường khác họ cũng mong có một việc làm ổn định để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình họ không muốn mình là “cây tầm gửi.”
Đối với một sinh viên bình thường ra trường tìm kiếm một công việc còn khó thì đối với sinh viên khuyết tật điều này còn khó gấp nhiều lần hơn. Nhưng chị cũng tự hào khẳng định “chúng tôi khuyết tật về hình thể chứ không khuyết tật về khả năng”
Để cho không khí của buổi giao lưu, chia sẻ thêm sinh động và thân mật hơn MC đã mời chị Liên hát tặng mọi người một bài hát. Được biết chị đoạt được giải bạc trong cuộc thi hát của người khuyết tật cùng với Thảo Đan. Vâng, từng lời bài hát “Tình Thơ” được vang lên, mọi người ai nấy đều lắng lòng mình xuống, đúng là “Tình thơ” được chị truyền tải bằng tất cả tấm lòng và tình cảm của mình. Tiếp đến là giọng ca vàng của Thảo Đan với ca khúc trừ tình cách mạng “Tàu anh qua núi” và bài chèo “Đào liễu”, giọng ca ngân vang khắp lớp học tình thương trầm bổng và lắng đọng tình cảm. Và tiếp sau đó là tiết mục tam ca của hai bạn Phượng và Huyền cùng với chị Yến Dương – Được biết chị Yến Dương là cô giáo tại lớp học tình thương. Lời ca của “ba ngọn nến lung linh” được cất nên làm cho buổi giao lưu, chia sẻ ấm áp hơn, xích mọi người lại gần hơn để cảm thông và thấu hiểu.
Chị Yến Dương chia sẻ chị tham gia lớp học tình thương từ năm 2004, học xong chị cũng muốn đi học đại học nhưng chị đã chọn thay cho mình không đi học đại học mà ở lại lớp tình thương để truyền dạy cho các bạn học sau. Bằng với kinh nghiệm của chính bản thân mình khi học thấy khó khăn ở đâu, chị cố gắng tìm tòi để cố gắng truyền giảng một cách dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ nhất cho các bạn.
Tiếp buổi giao lưu, anh Thái tiếp tục lên chia sẻ về chính cuộc đời mình. Khi anh sinh ra được vài tháng thì bị liệt, Mẹ anh phải nghỉ làm để chăm sóc và chữa bệnh cho anh. Trong suốt hơn 10 năm mà bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm và anh muốn vượt qua số phận, sống chung với khuyết tật của mình để có thể làm được nhiều việc khác nữa, không lao vào chữa bệnh như trước đây.
Và khi anh đi học Đại học, anh vẫn được mọi người chở đi học và anh đã được báo chí, truyền hình đưa tin là một người đầy nghị lực sống. Anh chia sẻ rất thực rằng “ bên ngoài thì mình cứ phải thể hiện thế này, thế nọ nhưng khi về đến nhà anh thấy mặc cảm vô cùng, muốn phát điên lên vì trên báo chí, truyền hình cứ thổi phồng nên làm anh cảm thấy áp lực vô cùng”. Nhiều người biết đến đã điện thoại hoặc gửi thư cho anh nhưng anh chỉ trả lời theo kiểu hình thức mà thôi. Qua đó chúng ta có thể thấy chỉ có người trong cuộc mới hiểu được, việc báo chí đưa tin về những tấm gương như vậy có thể là động lực để những người khác học theo nhưng cũng có thể làm cho họ tự ti hơn và điều quan trọng là người được đưa lên báo chí cũng không được thoải mái, dễ chịu từ đó họ phải sống sao để cho mọi người nhìn mình một cách hoàn hảo nhất còn trong tinh thần của họ thì luôn không thoải mái.
Từ đó anh phải cố gắng rất nhiều và anh thích chơi thể thao, thời đó anh là số 1 về thể thao và được chọn đi thi giữa các nước Châu Á với nhau nhưng không may đến với anh là trước khi chuẩn bị đi anh đã bị tai nạn và không được tham gia kỳ thi, lúc này anh cảm thấy tuyệt vọng, bất mãn vô cùng, ước mơ của anh đã bị dập tắt. Nhưng anh cũng sớm lạc quan trở lại và có sự kiện giao lưu CNTT ở Seoul – Hàn Quốc, anh đã giới thiệu các bạn sinh viên khuyết tật học ở Bách khoa đi phỏng vấn tham gia nhưng do tâm lý còn sợ hãi các bạn đã không đến và anh vào phỏng vấn và được chọn đi tham gia sự kiện này và từ đó anh cũng theo đuổi ngành CNTT và hiện tại anh đang làm về mảng CNTT, trước anh học quản trị kinh doanh của trường Đại học Phương Đông.
Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho mọi người “ trải qua quá trình học tập, làm việc à những việc đã xảy ra với mình anh đúc kết rằng chúng ta không nên bi quan vì một việc không tốt nào đó xảy ra đến với chúng ta, việc đó sẽ được bù trừ vào những cái khác.” Luôn nhắc mình “lạc quan không tự nhiên mà có mà phải tập luyện” Hoàn cảnh, cơ hội thay đổi rất nhanh không thể so sánh mình với người khác được. Nên nghĩ đến những cố gắng mình đã đạt được, những kỳ diệu để động viên mình, khi tinh thần thoải mái thì may mắn sẽ tự tìm đến ta.
Đôi khi mọi người cứ làm giống mọi người mà không biết việc mình làm đó có thể làm cho mình vui hơn không hay chỉ làm để cho bằng bạn bằng bè, anh nhấn mạnh cố lõi là để cho tâm trạng của mình vui và thoải mái. Ví dụ như trào lưu đi phượt của các bạn trẻ hiện nay, có người đi để tìm cảm xúc mới mẻ, khám phá những vùng đất mới, còn có những người thấy bạn bè mình đi lên mình cũng phải đi điều đó chỉ tự mình làm khổ mình thôi. Anh nghĩ là đi đâu không quan trọng mà quan trọng là tinh thần mình thấy vui.
Cùng với những chia sẻ khác của các bạn sinh viên khuyết tật và của các bạn sinh viên trường Đại học Luật đã làm cho buổi giao lưu, chia sẻ càng thêm gắn bó thân mật và mọi người hiểu nhau hơn. Qua buổi giao lưu này các bạn sinh viên khuyết tật sẽ phần nào cảm nhận được sự quan tâm từ phía cộng đồng đặc biệt là từ các bạn sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
Còn đối với các bạn sinh viên Trường Luật sẽ có cái nhìn chân thực hơn về người khuyết tật, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống và trong học tập để cảm thông và chia sẻ nhiều hơn và là cơ sở để cho các bạn có những kiến nghị để sửa đổi, bổ sung những quy định còn chưa phù hợp của Luật về người khuyết tật để bảo vệ họ tốt hơn. Bởi khuyết tật đã là một thiệt thòi rất lớn đối với các bạn, cần được Nhà nước, xã hội và tất cả mọi người quan tâm tạo điều kiện để họ phát triển và đóng góp cho quê hương đất nước.
Cá nhân tôi sau buổi giao lưu, chia sẻ này cũng có những cảm nhận chung như các bạn sinh viên khác và thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể giúp mình và giúp đỡ mọi người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét