|
căn cứ ly hôn |
I.Một số vấn đề lý luận về ly hôn
1.Khái niệm căn cứ Ly hôn
Trong xã hội có giai
cấp, hôn nhân là hiện tượng xã hội mang tính giai cấp sâu sắc. Trong từng giai
đoạn phát triển của lịch sử, ở mỗi chế độ xã hội khác nhau, giai cấp thống trị
đều thông qua nhà nước, bằng pháp luật quy định chế độ hôn nhân phải phù hợp với
ý chí của nhà nước. Tức nhà nước bằng pháp luật quy định trong những điều kiện
nào thì cho phép xác lập quan hệ vợ chồng, đồng thời xác định trong những điều
kiện, căn cứ nhất định mới cho phép xóa bỏ quan hệ hôn nhân. Đó chính là căn cứ
ly hôn được quy định trong pháp luật của nhà nước.
Ly hôn theo quy định
tại khoản 14 điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định
có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Căn cứ ly hôn việc
Tòa án áp dụng những căn cứ mà pháp luật quy định quyết định chấm dứt quan hệ
hôn nhân giữa vợ chồng của người yêu cầu ly hôn.
2.Sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật về căn cứ ly hôn
Dưới tác động của hội nhập, các luồng văn hóa mới thâm nhập vào Việt nam
làm cho giới trẻ có những quan niệm mới về giá trị gia đình, về cuộc sống hôn
nhân. Hiện nay, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam đang ngày càng tăng. Do vậy có sự điều
chỉnh các quy định của Pháp luật hôn nhân và gia đình về căn cứ để ly hôn là
hết sức cần thiết. Nhằm đảm bảo cho mối quan hệ vợ chồng thêm bền chặt và gắn
kết lâu dài, không thể coi việc ly hôn là một việc hết sức bình thường và dễ
dàng, kết hôn được thì cũng ly hôn được. Sẽ làm mất đi giá trị và tính thiêng
liêng của mối quan hệ vợ chồng, gia đình, vì vậy thật sự cần thiết pháp luật
phải quy định thật chặt chẽ các căn cứ để tòa án xem xét cho ly hôn.
II.Nội dung căn cứ ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm
2014.
Theo quy định tại Luật
hôn nhân và gia đình năm 2014 thì không có điều luật nào quy định về căn cứ ly
hôn như trong luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Theo quy định của Luật ta có
thể xem xét những căn cứ ly hôn trong các trường hợp.
1.Trường
hợp cả hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn.
Thuận tình ly hôn là
trường hợp cả hai vợ chồng tự nguyện đồng ý ly hôn, cùng ký vào đơn xin ly
hôn. Đơn xin ly hôn phải có xác nhận của UBND cấp phường về nguyên nhân ly hôn,
mâu thuẫn vợ chồng.
“Trong trường hợp vợ chồng cùng
yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận
về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên
cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận
tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm
quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.” (Điều 55 Luật hôn nhân và gia
đình năm 2014)
Muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân một cách hợp pháp, các bên còn phải
thỏa thuận được về các hậu quả của việc ly hôn, đặc biệt là về phần liên quan
đến việc phân chia tài sản chung và về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của
cha mẹ đối với con. Nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa
thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con,
thì Tòa án công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản và con
trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của vợ và con; nếu không thỏa
thuận được hoặc tuy có thỏa thuận, nhưng không bảo đảm quyền và lợi ích chính
đáng của vợ và con, thì Tòa án quyết định.
Theo quy định của pháp
luật, khi giải quyết ly hôn đồng thuận, tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải đoàn
tụ. Nếu hòa giải đoàn tụ không thành, tòa án lập biên bản về việc đồng thuận ly
hôn và hòa giải không thành.
2.
Trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Theo khoản 1 điều 56 Luật HN & GĐ 2014 “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành
thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo
lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho
hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục
đích của hôn nhân không đạt được.”
Khi có yêu cầu ly hôn của vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng, Tòa án
phải tiến hành hòa giải, nếu hòa giải không thành thì Tòa án cần xác định tình
trạng của quan hệ hôn nhân, xem có căn cứ ly hôn không để giải quyết. Việc giải
quyết ly hôn cần phải chính xác. Nếu xét xử đúng, kết quả đó sẽ phù hợp với
nguyện vọng của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia
đình. Ngược lại, nếu việc giải quyết không chính xác sẽ dẫn tới tan vỡ hạnh
phúc gia đình, phá hủy một cuộc hôn nhân còn có thể cứu vãn được và gây hậu quả
không đáng có. Mặt khác, giải quyết ly hôn cũng đòi hỏi sự linh hoạt trong việc
vận dụng căn cứ ly hôn đối với mỗi trường hợp cụ thể.
Luật mới đã quy định rất rõ “bạo
lực gia đình” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn; còn đối với những vi phạm
khác, những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng…trong đời sống vợ chồng, thì phải có
cơ sở nhận định chung rằng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo
dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết cho ly hôn.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật phòng chống bạo lực gia đình
thì “ Bạo lực gia đình là hành
vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể
chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.” Các hành vi bạo lực gia đình là:
“Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố
ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh
dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên
về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong
quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng;
giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn
hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi
khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài
sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá
sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên
gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia
đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này
cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam,
nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.” (Điều 2 Luật phòng chống
bạo lực gia đình).
Còn tình trạng vợ chồng trầm trọng được
hiểu như sau: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau,
người nào cũng chỉ biết người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra
sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan tổ chức, nhắc nhở,
hòa giải nhiều lần; Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm
đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ
hoặc cơ quan tổ chức, nhắc nhở, hòa giải nhiều lần; Vợ chồng không chung thủy
với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà
con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhờ, khuyên bảo nhưng vẫn
tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
Đời sống chung của hai vợ chồng không thể
kéo dài được phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm
trọng hay chưa? Nếu đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có
quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn
tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau.
Mục đích hôn nhân không đạt được là không
còn tình nghĩa vợ chồng, không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ chồng,
không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ chồn, không tôn trọng quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ chồng, không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau
phát triển về mọi mặt.
Như vậy, nếu tình trạng vợ chồng thỏa mãn
các điều kiện trên tòa án sẽ quyết định cho vợ chồng được ly hôn, trong trường
hợp ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…sẽ không được được Tòa
án chấp nhận.
3. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất
tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Theo quy định tại Điều 78 Bộ luật dân sự 2005 thì Tòa án có thể
tuyên bố cá nhân mất tích nếu có các điều kiện sau:
Từ ngày biết được tin tức cuối cùng
của người đó, người có quyền lợi liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố
người đó mất tích.
Đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm người vắng mặt
theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự đối với người bị yêu cầu tuyên bố
mất tích.
Biệt tích đã 2 năm liền trở lên, không
có một tin tức nào về người đó còn sống hay đã chết.
Vậy theo quy định của
pháp luật hiện hành, “Trong
trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn
thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.” (Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và
gia đình năm 2014).
III. Thực
trạng ly hôn và một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ly hôn hiện nay ở nước
ta.
1.Thực
trạng và nguyên nhân của các vụ ly hôn.
Trong quá trình chuyển
đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, cùng lúc kéo theo những
biến đổi trong văn hóa, đạo đức xã hội, làm giá trị đạo đức truyền thống trong
mỗi gia đình cũng đang dần bị phá vỡ, tình trạng ly thân, ly hôn gần đây có xu
hướng ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong các gia đình
trẻ.
Số lượng các vụ ly hôn ở
nước ta tăng nhanh đáng kể. Theo thống kê của ngành tòa án cho thấy, nếu năm
2000 chỉ có 51.361 vụ thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ; đến năm 2010, con số
này lên tới 126.325 vụ. Người vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần so với người
chồng. Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng là 9,4 năm,
riêng ở các khu vực nội thành của các thành phố lớn, chỉ tám năm.
Theo số liệu của ngành
tòa án TP. Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 40% các cuộc kết hôn kết thúc bằng ly
hôn (tăng gấp đôi so với năm 1998). Nếu so sánh thì tỷ lệ này của nước Mỹ là
49%, cao nhất thế giới. Ở các nước phát triển khác cũng khoảng trên 40%. Như
vậy, tuy thua kém nhiều về thu nhập nhưng tần suất ly hôn trong các gia đình
Việt Nam ở các đô thị lớn cũng không kém các nước phát triển.
Năm 2000, ngành Tòa án nhân dân
tỉnh Quảng Nam thụ lý giải quyết 587 vụ án hôn nhân và gia đình, năm 2010 thụ
lý giải quyết 1.281 vụ. Như vậy, chỉ sau 11 năm loại án trong lĩnh vực này đã
tăng một cách đột biến, tăng 218% so với năm 2000. Xem xét số liệu ngẫu nhiên
của bốn đơn vị TAND cấp huyện: Điện Bàn, Núi Thành, Hội An và Tam Kỳ đã thụ lý
giải quyết trong năm 2010 là 342 vụ án HN&GĐ. Trong đó, số vụ do người vợ
đứng đơn xin ly hôn 251 vụ, chiếm tỷ lệ 73,39%, đặc biệt độ tuổi 8X xin ly hôn
128 vụ chiếm tỷ lệ 37,43% và 04 trường hợp do người vợ xin ly hôn ở độ tuổi ngoài
60 tuổi.
Riêng theo số liệu thống
kê của VKS thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, năm 2012 đơn vị đã thụ lý 216
vụ ly hôn, năm 2013: 231 vụ và từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2014 đã có tới 180
vụ. Số vụ án hôn nhân - gia đình năm sau luôn cao hơn năm trước. Ly hôn xảy ra
đối với nhiều thành phần: cán bộ, công nhân, nông dân, doanh nhân, buôn bán...
Tình trạng ly hôn đã trở thành hiện tượng
phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Còn ở Việt Nam, theo thống kê, trung bình
mỗi năm có khoảng 60.000 vụ (tương đương 0,75 vụ/1.000 dân). Tỷ lệ ly hôn so
với kết hôn chiếm 25% (có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký thì có 1 đôi ra tòa).
Tại Yên Bái, theo thống kê của Tòa án nhân
dân tỉnh, năm 2014, tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 1.360 vụ xin ly hôn (tăng 61
vụ so với năm 2013), trong đó đã giải quyết ly hôn cho 1.126 vụ (tăng 82 vụ so
với năm 2013). Địa phương xảy ra tình trạng ly hôn cao là: thành phố Yên Bái
(279 vụ), Văn Chấn (178 vụ), Trấn Yên (170 vụ), Văn Yên (169 vụ
Qua công tác thụ lý kiểm
sát các vụ án ly hôn thì tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao gấp 2 lần so với
người chồng. Điều đáng lo ngại là trên 70% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ
chồng trẻ ở nhóm tuổi 20-30 và hầu hết đã có con.
Hôn nhân tan vỡ không chỉ
làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Bởi gia
đình là tế bào của xã hội, khi tế bào không “khỏe”
thì xã hội bị ảnh hưởng nhiều mặt. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những
đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi
dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm
và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
Có rất nhiều
nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng tăng cao như hiện nay, nhưng
chủ yếu tập trung vào một số nguyên nhân chính sau:
Do điều kiện kinh tế xã hội và sự phát triển
về tâm sinh lý, giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội nên họ vẫn chưa tìm hiểu kỹ
về nhau cũng như các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Khi xảy
ra mâu thuẫn họ không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến bạo lực gia đình và
hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.
Do điều kiện kinh tế gia
đình: Các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình phải tự lo cho mái ấm
của mình, điều kiện kinh tế chưa đảm bảo cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề
nghiệp ổn định cùng với đó là sinh con sớm, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó
khăn. Nỗi khốn khó đeo bám triền miên khiến vợ chồng sinh ra mâu thuẫn không
thể tháo gỡ và kết cục là xin ly hôn. Nhiều gia đình vợ chồng có nghề nghiệp ổn
định, điều kiện kinh tế khá giả, nhưng do mải theo làm ăn kinh tế, thiếu quan
tâm đến tình cảm vợ chồng, dần phai nhạt rồi xảy ra “chiến tranh lạnh”, có trường hợp khi người chồng có địa vị và chỗ
đứng trong xã hội, hoặc có điều kiện kiếm ra tiền và tự cho mình “cái quyền” làm gì tùy thích theo thú vui
của riêng mình, thiếu quan tâm đến gia đình, vợ con. Người vợ ở nhà thiếu thốn
tình cảm, vợ chồng sinh ra nghi kỵ ghen tuông và vợ chồng phát sinh mâu thuẫn
dẫn đến ly hôn.
Do sinh con một bề: Ngày nay tư tưởng “trọng nam khinh nữ không còn nặng nề như
xưa” nhưng vẫn có không ít trường hợp vợ chồng sinh con một bề, làm cho
người chồng chán nản bỏ bê công việc gia đình, đi theo con đường bài bạc rồi
dần dần của cải trong gia đình “đội nón
ra đi”; hoặc rủ bạn bè đi nhậu hết ngày này sang ngày khác, khi tàn cuộc về
nhà tìm trăm ngàn lý do để chửi bới, hành hạ đánh đập vợ con gây thương
tích hoặc tìm đến “người thứ 3” để có
con trai cũng dẫn đến việc ly hôn.
Do bạo lực gia đình: Bạo
lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với
phụ nữ, nó làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây
hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ mà còn với cả trẻ em, khi bạo
lực xảy ra sẽ gây ra nhiều sứt mẽ trong tình cảm, không tìm thấy được sự hoà
hợp mà chỉ còn sự ức chế và sợ hãi dần dần họ không thể chịu đựng nữa và dẫn
đến ly hôn.
Ngoại tình: Ngày
xưa, người phụ nữ luôn coi trọng danh dự, nhân phẩm của mình bằng sự thủy chung
son sắc, họ coi việc vụng trộm tình ái là hành vi xấu xa, phản bội và thiếu đạo
đức. Nhưng ngày nay, quan niệm “ông ăn chả, bà ăn nem” trở thành mốt trong một
số gia đình. Thực tế đã có không ít gia đình vợ chồng thích tìm “của lạ”. Nhất là trường hợp người chồng
đi làm ăn xa nhà lâu ngày khi gặp đối tượng cùng cảnh ngộ dễ xiêu lòng đi theo
tiếng gọi của ái tình nên đành lòng xin ly hôn.
Lấy chồng ngoại: Với
chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, những năm gần đây một số người
nước ngoài đến Việt Nam đầu tư sản xuất kinh doanh, du lịch, hoặc một số người
đi xuất khẩu lao động nước ngoài về… Họ tiêu tiền như nước làm cho các cô gái
Việt Nam loá mắt và có tư tưởng sính ngoại, muốn đổi đời mà không vất vả lao
động nên đánh liều chạy theo đồng tiền, bất chấp tuổi tác chênh lệch, phong tục
tập quán, quan niệm sống…. nhưng rồi cũng thấm thía với tư tưởng sính ngoại và
rồi phải xin ly hôn với bao nhiêu cay đắng, tủi hờn.
Do mâu thuẩn trong quan
hệ mẹ chồng - nàng dâu: Mẹ chồng và nàng dâu vốn là hai người ở hai thế hệ khác
nên sẽ rất khó để dung hòa trong cách sống, lối suy nghĩ. Vì thế mà trong mối
quan hệ giữa hai người luôn tồn tại những mâu thuẫn muôn thủa, như bất đồng
quan điểm trong cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ, mẹ chồng ghen vì nghĩ con
trai mình yêu vợ hơn mẹ hoặc con dâu cảm thấy không thoải mái khi mẹ chồng can
thiệp vào việc riêng… và một khi mâu thuẩn ngày càng nhiều, người chồng không
thể hoá giải được những mâu thuẩn giữa mẹ - vợ cũng sẽ dẫn đến việc ly hôn.
Ngoài các nguyên nhân
trên còn có nguyên nhân từ sự phát triển về các dịch vụ hỗ trợ gia đình như
giáo dục, y tế, dịch vụ nội trợ, dịch vụ giải trí... đã thay thế dần những chức
năng trước đây chỉ gia đình mới có thể đảm nhiệm được, nhiều người chưa nhận
thức được vị trí của gia đình cho rằng gia đình không còn là nơi duy nhất để họ
trú ẩn, dần dần vai trò của gia đình được đánh giá thấp, giá trị gia đình không
còn quan trọng, xem hôn nhân như trò đùa.
2.Các giải pháp nhằm
hạn chế tình trạng ly hôn.
Các cặp vợ chồng cần nhận
thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình, biết yêu
thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau “chồng bảo vợ nghe, vợ nói chồng đồng tình”.
Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, sống có trách nhiệm với gia đình
và xã hội. Khi có mâu thuẩn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết
các vấn đề. Nói không với những tệ nạn xã hội, sống thủy chung. Điều quan trọng
nhất là phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia
đình Việt Nam.
Các cặp vợ chồng trẻ cần
tăng cường học hỏi, tham vấn về kiến thức tiền hôn nhân, giao tiếp, lối ứng xử
trong gia đình… tại các Trung tâm tư vấn tâm lý, tại trang Website hôn nhân
& Gia đình, các bài viết trên sách, báo… Bên cạnh đó, trước khi kết hôn cần
trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có nghề nghiệp và thu
nhập ổn định.
Các ngành, các cấp, các
tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình, đặc
biệt, chú trọng đến truyền thông, giáo dục đời sống gia đình thông qua các nghi
lễ tôn giáo, phong tục tập quán…nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình
những kiến thức, kinh nghiệm… giúp cho các thành viên trong gia đình xây dựng
mối quan hệ tương hỗ, thân thiện, gần gũi hơn. Bởi lẽ, nếu như gia đình có nền
giáo dục căn bản, truyền thống đạo đức thì nguy cơ đỗ vỡ phần nào sẽ được ngăn
chặn.
Thực hiện hiệu quả các
phong trào “Xây dựng gia đình văn
hóa”,“Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”. Thực hiện
nghiên túc luật pháp liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình,
Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia
đình,... ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Cần biểu
dương, nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình, điển hình trong khó
khăn vươn lên xây dựng gia đình hòa thuận, giữ vững hạnh phúc, nuôi dạy các con
ngoan, học giỏi, thành đạt, hiếu thảo, chăm lo phụng dưỡng ông bà, kính trên,
nhường dưới.. tuyên truyền những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn về đề tài
gia đình.
Cần lồng ghép, và tổ chức truyên truyền pháp
luật về hôn nhân gia đình, vai trò của gia đình trong nhân dân thông qua các
cuộc họp tổ dân phố, họp công đoàn sinh hoạt chi bộ, họp phụ nữ, thường xuyên
mở các cuộc thi về chủ đề hạnh phúc gia đình để gắn kết tình cảm giữa các thành
viên trong gia đình với nhau, đồng thời trang bị thêm các kiến thức về pháp
luật và xã hội để mọi người nhận thức được vai trò của gia đình để cùng nhau
giữ lửa đem lại cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Cần tăng cường hơn nữa
công tác hoà giải để các cặp vợ chồng muốn ly hôn có cơ hội trở lại đoàn tụ,
cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con cái.
Gia đình là tổ ấm mang
lại giá trị hạnh phúc, là sự hài hòa cho đời sống của mỗi thành viên trong gia
đình, mỗi cá nhân trong xã hội. Gia đình êm ấm, hạnh phúc sẽ là hành trang, là
nền tảng để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình, góp phần xây dựng xã
hội ổn định, phồn vinh và phát triển. Các cụ xưa đã nói “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”
câu nói bất hủ ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tất cả vì mục tiêu xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh
phúc” hãy chung tay xây dựng, gìn giữ gia đình một cách bền vững.
Thu Hiền “Thực trạng ly hôn hiện
nay và một số biện pháp hạn chế việc ly hôn” đang trên web:
vienkiemsatquangbinh.gov.vn ngày 25/9/2014
Thái nguyên Toàn “Ly hôn - tình trạng đáng báo động hiện
nay” Đăng trên web: sotuphapqnam.gov.vn ngày 25/12/2012.